Gia đình ông Trần Văn Phước ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có 6 sào đất canh tác hoa màu, do khan hiếm nguồn nước tưới vào mùa khô nên chỉ sản xuất một nửa diện tích, chủ yếu trồng hành tím. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt, hồ Ông Kinh trên địa bàn xã Nhơn Hải đã trơ đáy, nguồn nước giếng của gia đình cũng cạn nước, hiện 3 sào hành tím và đàn bò gần chục con của gia đình ông chỉ phụ thuộc vào giếng khoan.

Ông Phước cho biết, nguồn nước khoan dùng để tưới cho cây trồng thì không hiệu quả do độ phèn cao, ảnh hưởng đến năng suất, nhưng không phải chỗ nào khoan cũng có nước: "Hạn hán làm nguồn nước thiếu, đào ao, khoan giếng mới có nước phục vụ cho chăn nuôi. Trồng cỏ cho đàn bò ăn trong thời gian nắng hạn chứ sản xuất hoa màu không hiệu quả. Chạy giếng khoan trong mùa nắng nóng này thì nước nhiễm phèn, nổi trắng hết, như nước mặn".

Nông dân xã Nhơn Hải tận dụng các vũng nước còn đọng lại trên lòng hồ Ông Kinh. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Theo UBND huyện Ninh Hải, các khu vực chịu ảnh hưởng bởi nắng hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô gồm các xã: Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải và khu vực hồ Thành Sơn thuộc xã Xuân Hải, với diện tích hơn 150 ha. Một số khu vực trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do thiếu hụt nguồn nước, cần đấu nối hệ thống cấp nước, điều tiết bổ sung hoặc chở nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Nhất là các khu vực sử dụng nước từ hệ thống cấp nước Mỹ Tường.

Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến cuối tháng 3/2024, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý là trên 209 triệu m3, đạt hơn 50% so với dung tích thiết kế.

Cây hành tím bị ảnh hưởng bởi nguồn nước khoan. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Do năm 2023 lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, nên lượng nước đến các hồ chứa, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh đều giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Một số hồ chứa như Lanh Ra, Tà Ranh, Sông Biêu, Bầu Ngứ, CK7 và Ông Kinh trữ lượng nước chỉ xấp xỉ 50% dung tích thiết kế. Do tình hình nắng nóng gay gắt nên hiện nay dung tích một số hồ đã giảm đáng kể, trong đó 3/23 hồ chứa đã xuống đến mực nước chết, gồm: CK7, Bầu Ngứ và Ông Kinh.

Trong thời gian tới, nếu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục không có mưa sẽ có 6/23 hồ chứa khả năng dung tích hạ thấp xuống dưới mực nước chết, gồm các hồ: Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Lanh Ra và Bầu Zôn.

Ông Trần Văn Phước xót xa khi những luống hành ngày càng khô héo. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Để chủ động ứng phó với tình hình thiếu nước và hạn hán, năm 2024, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận sẽ ưu tiên điều tiết cấp nước sinh hoạt, dịch vụ của người dân; nước cho gia súc vật nuôi và nước cho sản xuất nông nghiệp.

Nếu tình hình nắng nóng kéo dài, vụ hè thu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai sản xuất cho hơn 24.102 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 13.064ha cây lúa: trên 7.988ha cây màu... Đối với một số khu vực không đảm bảo nguồn nước tưới như hồ Lanh Ra, Phước Trung, Phước Nhơn, Ông Kinh, CK7, Bầu Ngứ, Suối Lớn... sẽ không sản xuất, chỉ ưu tiên lượng nước cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi và nước tưới cho cây lâu năm.